Thắc mắc: Khái niệm Tập đoàn kinh tế là gì?

Chính phủ phải ban hành tương đối đầy đủ các quy định và chính sách liên quan đến hình thành và phát triển tập đoàn.

1.Khái niệm các tập đoàn kinh tế

Hiện có rất nhiều khái niệm khác nhau về Tập đoàn kinh tế (TĐKT), tuy nhiên chưa có khái niệm nào được xem là chuẩn mực. Do sự đa dạng về tên gọi khác nhau ứng với các nước khác nhau; song trên thực tế việc sử dụng những tên gọi đó phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ và tính chất đặc trưng của từng loại TĐKT.

Vì thế, dựa vào một số đặc điểm tiêu biểu từ cách định nghĩa của các nước, ta có thể đưa ra một khái niệm chung về TĐKT như sau: “TĐKT là tổ hợp các công ty có mối quan hệ sở hữu xâu chéo; có quan hệ mật thiết về chiến lược, thị trường hay sản phẩm; có mối liên kết trong hoạt động kinh doanh nhằm tập hợp và chia sẻ các nguồn lực nhằm tăng cường khả năng tích tụ tài sản, nâng cao năng lực cạnh tranh, tối đa hoá lợi nhuận và đạt được các mục tiêu chung”.

2. Quá trình hình thành các TĐKT:

Từ cuối thế kỷ XIX, ở các nước tư bản Tây Âu và Bắc Mỹ với những tiến bộ về khoa học và kĩ thuật dẫn đến sự thay đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng quy mô, đưa đến quá trình tích tụ và tập trung sản xuất. Bên cạnh đó quá trình cạnh tranh lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, từ đó đưa đến việc hình thành các tổ chức độc quyền. Đến đầu thế kỷ XX, các tổ chức độc quyền đã xuất hiện ở nhiều nước tư bản phát triển với các hình thức như Cartel, Syndycat, Trust, Consortium. Hình thức của các tổ chức độc quyền này là cơ sở cũng như là mô hình của các TĐKT ngày nay. Trải qua quá trình hình thành và phát triển ở mỗi nước có những tên gọi khác nhau về TĐKT.

Ví dụ như: Ở Châu Á, trong khi người Nhật Bản gọi là “Zaibatsu” (tên này được sử dụng trước chiến tranh thế giới thứ hai), là Keiretsu (tên này được sử dụng sau chiến tranh thế giới thứ hai), còn người Hàn Quốc gọi là “Cheabol”, Trung Quốc gọi là “tập đoàn doanh nghiệp”.

3. Phương thức hình thành:

Qua nghiên cứu, TĐKT được hình thành chủ yếu bằng hai con đường:

– Theo con đường phát triển truyền thống có nghĩa là doanh nghiệp (DN) phát triển tuần tự, tự phát triển, tự tích tụ, tập trung vốn và đầu tư chi phối các DN khác hoặc bằng cách sáp nhập, thôn tính, mua cổ phần, góp vốn ở các DN khác để trở thành TĐKT. Phương thức này thường thấy ở các nước Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản.

– Trên cơ sở một công ty nhà nước có quy mô lớn hoặc tổng công ty nhà nước (TCTNN) có sẵn các mối quan hệ mật thiết bên trong và cơ cấu tổ chức theo hướng tập đoàn. Theo con đường này thì phải trải qua một số khâu nhằm cơ cấu lại công ty hoặc TCT, tạo điều kiện cho các DN đầu tư, chi phối lẫn nhau, hình thành liên kết chặt chẽ về kinh tế với sự hỗ trợ của các quy định pháp lý, cơ chế chính sách của nhà nước. Điển hình là Trung Quốc.

4. Nguyên tắc hình thành:

Các TĐKT trên thế giới cho thấy được việc sự hình thành TĐKT được dựa trên nguyên tắc hiệu quả, tự nguyện và theo quy luật thị trường. Do đó việc hình thành TĐKT cần tuân thủ những nguyên tắc:

– Có sự kết hợp chặt chẽ trong một tổ chức kinh tế có nghĩa là các công ty thành viên kết hợp trong một tổ chức thống nhất và mang tính độc lập về tài chính, sản xuất và thương mại.

– Phù hợp với chính sách sản xuất và chiến lược phát triển kinh tế của nhà nước. Việc hình thành TĐKT phải có tác động tích cực tới điều chỉnh cơ cấu sản xuất và cơ cấu sản phẩm.

– Khuyến khích cạnh tranh, hạn chế độc quyền. Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, nghiêm cấm các hoạt động lũng đoạn thị trường hoặc phong toả khu vực.

– Phải có sự phân định rạch ròi giữa công ty mẹ và các công ty thành viên về chức năng quản lý kinh doanh với chức năng quản lý hành chính.

– Thực hiện nguyên tắc đầu tư tự nguyện, với sợi dây liên kết giữa các DN chủ yếu là vốn, đồng thời phải tuân theo quy luật kinh tế, không thể lắp ghép bằng mệnh lệnh hành chính.

5. Điều kiện hình thành:

TĐKT được hình thành trong những điều kiện nhất định, đó là các điều kiện bên trong và bên ngoài. Để TĐKT hoạt động có hiệu quả thì việc hình thành tập đoàn cần đảm bảo các điều kiện sau:

– Sản xuất phải đạt đến một trình độ xã hội hoá nhất định dẫn đến đòi hỏi khách quan phải lựa chọn hình thức tổ chức tập đoàn có quy mô lớn, nhiều vốn có độ tập trung sản xuất cao.

– Nền kinh tế thị trường phải đạt đến một trình độ nhất định và thiết lập được một cơ cấu thị trường tương đối hoàn thiện.

– Chính phủ phải ban hành tương đối đầy đủ các quy định và chính sách liên quan đến hình thành và phát triển tập đoàn.

– Cần đáp ứng các điều kiện bên trong của tập đoàn gồm quy mô vốn đăng ký của công ty mẹ, tổng vốn đăng ký của cả tập đoàn, số lượng DN thành viên tối thiểu, tư cách pháp nhân của các DN thành viên.

– Điều kiện về con người: hiệu quả của tập đoàn phụ thuộc rất lớn vào trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý.

– Ngoài ra còn phải có các điều kiện sau đó là về trình độ khoa học, công nghệ, bộ máy quản lý,… đây cũng là điều kiện quan trọng khi xem xét khi hình thành tập đoàn kinh tế.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *